Để đảm bảo hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh theo quy định, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Công văn số 1645/SNN-PTNT ngày 03/8/2022 về việc hướng dẫn hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, cụ thể như sau:
1. Tiêu chí về số hộ tham gia thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ, cụ thể: địa phương thống kê số hộ trên địa bàn một hoặc nhiều cụm dân cư (thôn, ấp, bản, làng, buôn,… ) tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018, đáp ứng tối thiều có 20% số hộ hoạt động ngành nghề nông thôn trên tổng số hộ của địa bàn.
2. Tiêu chí về đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành:
Điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề được quy định tại Điều 33 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể:
2.1 Xây dựng phương án bảo vệ môi trường:
Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề. Nội dung của phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bao gồm:
a) Thông tin chung về làng nghề;
b) Loại hình, quy mô sản xuất của làng nghề;
c) Tình trạng phát sinh khí thải, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; các công trình bảo vệ môi trường của làng nghề;
d) Kế hoạch xây dựng, triển khai, vận hành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường: xử lý khí thải, nước thải, khu vực tập kết chất thải rắn, khu xử lý chất thải rắn (nếu có) và các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường khác;
đ) Chương trình quan trắc, giám sát chất thải theo quy định;
e) Tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường; nhu cầu kinh phí thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề;
g) Kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi ngành, nghề sản xuất của cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành nghề không khuyến khích phát triển tại địa phương hoặc di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2.2 Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường:
Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề được Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập; hoạt động theo quy chế do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành.
2.3 Hạ tầng bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề;
b) Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
c) Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
3. Mẫu hồ sơ công nhận làng nghề bao gồm:
Phương án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và các văn bản đính kèm theo Công văn này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, đề xuất gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương triển khai thực hiện./.
Đính kèm: Công văn số 1645/SNN-PTNT ngày 03/8/2022 về việc hướng dẫn hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống